Review 4.0 các ứng dụng đào tạo qua online giải pháp thời COVID-19

06-03-2020

Diễn biến dịch bệnh không ai đoán trước được điều gì. Nền kinh tế đã có những tổn thất nặng nề từ hậu quả dịch bệnh này. Rất nhiều hoạt động của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Điều dễ nhìn thấy nhất là việc mọi người hạn chế đi lại, hạn chế gặp gỡ nơi đông người, nơi công cộng. Từ đó, hệ quả mang đến là hoạt động đào tạo, tập huấn, truyền thông trực tiếp trong doanh nghiệp bị ảnh hưởng xấu. Hiệu quả giảm không tương tác trực tiếp. Và đến bây giờ, nhiều người nói “trong nguy có cơ” thể hiện qua việc rất nhiều giải pháp về công nghệ thông tin, kết nối online đã được sử dụng trong tình thế này.

Người dạy và học kết nối với nhau như thế nào?

Với tôi, đào tạo được định nghĩa như việc bắc 1 cây cầu để nối học viên với những tri thức (điều muốn biết). Trên nền tảng công nghệ, cây cầu này được chia thành 3 loại hình sau:

1 - truyền đạt sự hiểu biết qua video 1 chiều từ giảng viên cho học viên hoặc tương tác đa chiều học viên - giảng viên.

2 - truyền đạt những tài liệu từ giảng viên —> học viên và trả bài tập đã làm học viên —> giảng viên

3 - tổ chức những hoạt động tình huống để gia tăng trải nghiệm, kịch tính hấp dẫn bài học.

Với những nhu cầu trên thì các ứng dụng công nghệ hiện nay đã đáp ứng được rất tốt. Bao gồm cả loại hình miễn phí và trả phí. Với những trải nghiệm sử dụng các ứng dụng này, tôi viết bài chia sẻ, tổng hợp để anh chị em tham khảo.

Nhóm ứng dụng/công cụ để truyền video:

Video đào tạo, tôi lại chia thành 3 loại hình sau:

1- Những video đã được quay, dựng từ trước bạn có thể up lên Youtube, Vimeo, Watch (facebook). Với 3 công cụ đó, bạn có thể thiết lập chế độ công khai, không công khai hoặc riêng mình bạn. Ngoài ra, bạn có thể lưu trữ video trên driver (google) và chia sẻ cụ thể cho từng gmail của học viên.

2 - Những video dạng live stream bằng Facebook hoặc Youtube ở chế độ công khai hoặc live stream trong nhóm học viên. Bạn đã bắt gặp live stream bán hàng thường xuyên, tuy nhiên hiện nay nhiều tổ chức cũng sử dụng ứng dụng này để đào tạo học viên/học sinh của mình.

Ưu điểm của live stream đào tạo là miễn phí, phổ rộng rất rất đông học viên xem được. Hạn chế là học viên chỉ tương tác qua comment chứ không trao đổi video call với GV được.

3 - Những video dạng trò chuyện tương tác (video call) bằng Zoom (https://zoom.us) hoặc Hangout (https://hangouts.google.com), Meet cực kỳ tuyệt vời. Với Zoom đang được rất nhiều anh em đào tạo từ tôi tin dùng, bạn chỉ cần đăng ký vài thao tác là có tài khoản sử dụng. Chế độ miễn phí cho phép tối đa 50 người cùng trò chuyện video. Chế độ trả phí thì tất nhiên sẽ tốt hơn rất nhiều. Với Hangout là 1 ứng dụng có sẵn theo tài khoản google (gmail) của mỗi người, bạn không cần đăng ký. Google như bạn biết là đầu bảng về chất lượng đường truyền rồi; rất ít khi gặp lỗi. Nhưng hạn của Hangout chỉ cho phép 10 người video call.

Video call, giúp giảng viên và học viên kết nối bất chấp khoảng cách địa lý dù bạn dùng máy tính hay smartphone. Bao gồm nhìn được gương mặt của nhau, bật/tắt micro, chia sẻ màn hình máy tính của giảng viên (nếu bạn muốn thuyết minh tài liệu)

Nhóm ứng dụng/công cụ để biên soạn các buổi học

Nhu cầu cụ thể là các buổi học cần được biên soạn theo 1 lộ trình do giảng viên đề ra. Trên đó, giảng viên có thể upload tài liệu, video, hình ảnh, câu hỏi… gửi để học viên sử dụng 1 cách mạch lạc, rõ ràng. Với nhu cầu trên bạn tham khảo các giải pháp sau:

1- Group Facebook, bạn thiết lập chế độ lớp học. Theo đó, mỗi bài học mở ra cho phép giảng viên ghi chú, mô tả bài, đính kèm file tài liệu (không hạn chế), đặt link… Còn học viên được quyền theo dõi từng bài học, xem tài liệu, comment và nhấn nút XONG để xác nhận đã hoàn tất bài đó.

2- Google class (https://classroom.google.com) là một sản phẩm tuyệt vời của nhà Gu dành cho các lớp học. Miễn phí với những tài khoản gmail thông dụng. Có tất cả các tính nhưng như Facebook group kể trên. Ngoài ra, giảng viên có thể kiểm soát theo mã lớp học, đổi mã lớp để bảo mật, chấm điểm học viên làm bài tập, tổng hợp bảng điểm, cài đặt “thời hạn” học viên phải trả bài. Giao diện cực kỳ thân thiện cho việc học tập mà không hề bị vướng bận tham lam thông tin như Facebook.

Nhóm những ứng dụng để tổ chức hoạt động, games

Tổ chức hoạt động học tập, các trò chơi học tập (edu games) cũng thực hiện qua online được, tại sao không? Hãy tham khảo những công cụ sau:

1 - Outing app (http://Outing.vn) Sử dụng công nghệ định vị GPS (không gian) hoặc thời gian để kiểm soát khả năng tiếp cận đề bài/game/câu hỏi của học viên. Từ đó, yêu cầu học viên phải vận động di chuyển đến khu vực đã định vị GPS (theo google map) hoặc trả lời thật nhanh câu hỏi trước để mở ra câu hỏi sau. Outing app khuyến khích học viên thực hiện theo nhóm/đội các trò chơi hành động hoặc tư duy đội nhóm. Outing app có chế độ miễn phí cho học sinh, sinh viên trong mùa dịch covid-19 này.

2- Kahoo (https://kahoot.com ) cho phép giảng viên cài đặt các câu hỏi kiểm tra kiến thức, suy luận của học viên về bài học. Các câu hỏi được đặt dạng game lựa chọn đáp án (trắc nghiệm) A - B - C - D (giống game show truyền hình Ai là triệu phú). Mỗi câu hỏi đó được quyền cài đặt thời gian mở ra và kết thúc để “gây áp lực” kịch tính cho người học trả lời phải nhanh và chuẩn xác. Kahoot cũng có chức năng thống kê để biết được ai trong số học viên trả lời nhanh nhất, chính xác nhất qua từng câu hỏi, tự động cho điểm. Kahoot có giao diện cực kỳ dễ thương, sáng tạo & funny giúp việc học, kiểm tra bài cũ trở nên sống động hơn. Kahoot sử dụng luôn máy điện thoại của học viên làm công cụ bấm nút trả lời.

Lời sau cuối bài viết này, tôi muốn mượn lời từ nguyên tắc tâm linh người Ấn Độ: “bất cứ điều gì xảy ra thì đó là điều nên xảy ra”. Đại dịch covid-19 đã xảy ra vì tất cả những lý do của nó đã làm cho nó xảy ra như hiện nay. Thái độ của chúng ta là không sợ hãi, không than vãn, mà hãy tìm ra sự thích ứng với tình trạng này, những giải pháp và sáng kiến mới sẽ có cơ hội để phát triển. Suy giảm kinh tế và hạn chế đông người trực tiếp từ hai vế của công thức đó tạo nên những ứng dụng online miễn phí cho đông đảo người dùng tương tác và học tập cùng nhau. Chúc bạn vững vàng vượt qua mùa dịch này.

Nguồn: Coach Tùng